Vở kịch Cuộc hành trình tìm bức chân dung: Công nghệ giúp cảm xúc thăng hoa
VHO- Nhà hát Kịch TP.HCM vừa ra mắt vở Cuộc hành trình tìm bức chân dung (tác giả Khánh Hoàng, đạo diễn Hoàng Tấn). Vở diễn đã tạo được ấn tượng bất ngờ cho khán giả bằng câu chuyện xúc động và lối diễn chân thật của những diễn viên lần đầu bước lên sân khấu chuyên nghiệp. Càng bất ngờ hơn khi đây là bài báo cáo tốt nghiệp của đạo diễn trẻ Hoàng Tấn, sinh viên Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, đồng thời là diễn viên của Nhà hát Kịch TP.
Một phân đoạn sử dụng công nghệ trình chiếu màn hình LED và màn Gauze
Cuộc hành trình tìm bức chân dung lấy bối cảnh ở Cà Mau, trong Chiến khu Rừng Đước, tin Bác Hồ qua đời đã khiến quân và dân đau lòng, dù sống trong vòng kìm kẹp nhưng họ vẫn cố gắng tổ chức lễ truy điệu, lập bàn thờ… nhưng lại không có tấm ảnh nào của Người. Câu chuyện là góc nhìn của những đứa trẻ thấm nhuần lời kể của người lớn về hình tượng Bác Hồ thân thương gần gũi, rồi từ đó quyết tâm tìm được ảnh Bác để làm khung hình treo trên bàn thờ. Ban đầu các em định tạc tượng, nhưng do chưa được biết mặt Bác nên các em đã quyết định lên đường đi tìm ảnh Bác theo những điều nghe ngóng được. Trong cuộc hành trình nguy hiểm, bọn trẻ may mắn được ông già gác rừng (diễn viên Thanh Tuấn), cũng làm nhiệm vụ tiếp tế, cảnh giới và giao liên cho du kích cứu giúp, thậm chí hy sinh tính mạng để bảo vệ các em. Cũng trong hành trình này, có em đã ngã xuống để bảo vệ an toàn cho đồng đội…
Cả 5 diễn viên (Thanh Tuấn vai ông Ba giữ rừng, Tiến Ngô vai Non, Tấn Phúc vai Đạm, Anh Duy vai Liêm và Xuân Nghi vai Bé Ba) của Cuộc hành trình tìm bức chân dung với diễn xuất chân thật đã đưa được các nhân vật của một giai đoạn lịch sử, trong một hoàn cảnh đặc thù, trở lại sinh động và khiến khán giả đồng cảm. Trong số đó, chỉ có Thanh Tuấn vai ông già giữ rừng là diễn viên chuyên nghiệp, còn lại là 4 “lính mới” nhưng đã diễn xuất rất thành công, tự nhiên và đầy tính kịch, tạo nên linh hồn của vở diễn, thu hút người xem theo mạch cảm xúc câu chuyện mà không hề có sự gượng gạo nào.
Cuộc hành trình tìm bức chân dung cũng là vở diễn hiếm hoi sử dụng kỹ thuật trình chiếu màn hình LED và màn Gauze ở những phân đoạn không thể hiện được trên sân khấu như cảnh bơi xuồng giữa dòng sông lớn, cảnh đụng độ với tàu của giặc, hay cảnh nhân vật lặn sâu dưới đáy biển để tìm bức tượng gỗ,… tất cả đã tạo bối cảnh sinh động, thu hút thị giác người xem.
Hoàng Tấn cho biết, đây không đơn thuần là vở diễn báo cáo tốt nghiệp mà anh mong nó sẽ trở thành “tác phẩm để đời” của mình, tiếp thêm động lực cho chặng đường làm nghề tiếp theo. “Tôi đã trăn trở và dồn rất nhiều tâm huyết cho vở kịch này. Với đề tài về Bác Hồ, đã có nhiều tác phẩm rất hay, nhưng tôi muốn tác phẩm của mình tiếp cận được hầu hết đối tượng khán giả, đặc biệt là thiếu nhi bằng cách nào đó sinh động hơn, gần gũi hơn. Qua đó, các em sẽ hiểu thêm về Bác cũng như sự yêu kính của thiếu nhi đối với Bác…”, đạo diễn trẻ chia sẻ.
THÙY TRANG